SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KHÍ NHẠC VIỆT NAM

Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh những đặc điểm riêng biệt, nền văn hóa cũng như âm nhạc Việt Nam đều đậm chất Đông Nam Á. Đây là một nền âm nhạc có mối quan hệ chặt chẽ với ngọn nguồn tâm linh, tín ngưỡng và phong tục tập quán. Vì vậy, trong nhiều nghi lễ không thể thiếu thành phần âm nhạc. Mặc dù ban đầu chưa có nhiều nhạc khí xuất hiện nhưng chúng đều được coi là các vật thiêng để giao tiếp với thần linh.
Nền âm nhạc Việt Nam cũng như âm nhạc của nhiều nước khác trên thế giới đều bắt nguồn từ âm nhạc dân gian. Trải qua quá trình phát triển lâu dài được phân chia thành hai bộ phận chính là âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp. Âm nhạc dân gian lưu giữ những giá trị tinh hoa của dân tộc, tồn tại và phát triển bên cạnh các bộ phận âm nhạc mới xuất hiện. Âm nhạc chuyên nghiệp phát triển dựa trên cơ sở của âm nhạc cổ truyền kết hợp với sự tiếp thu những yếu tố của âm nhạc phương Tây tạo thành hai dòng: âm nhạc chuyên nghiệp dân tộc và âm nhạc chuyên nghiệp bác học. Tính đa dạng trong âm nhạc Việt Nam là hệ quả của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với các nền văn hóa lớn trong khu vực và thế giới như: Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây (châu Âu), … Yếu tố Trung Hoa do một thời kỳ dài Bắc thuộc đã được chuyển hóa cùng với truyền thống Việt Nam; yếu tố Ấn Độ ảnh hưởng trực tiếp trong âm nhạc của cư dân Phù Nam – Chân Lạp và Lâm Ấp – Chăm-pa; yếu tố phương Tây xâm nhập kể từ khi người Pháp bắt đầu truyền đạo và thi hành chính sách thực dân tại Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời, âm nhạc cổ truyền đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Cho đến nay, vẫn còn một vài nơi ở nước ta vẫn còn gìn giữ được truyền thống tốt đẹp trong hội hè, sinh hoạt cộng đồng, những người già thường hát những làn điệu dân ca theo lối đối đáp ứng tác với nội dung nhằm phê phán những thói hư tật xấu còn tồn tại trong xã hội, ca ngợi truyền thống dân tộc và quê hương đất nước. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam cũng như của nhiều nước trong khu vực thường phát triển nhạc hát là chính, nhạc khí sử dụng kèm theo chỉ mang tính phụ họa (đệm cho hát). Từ khi xuất hiện nhà nước phong kiến, âm nhạc chuyên nghiệp trong đó có khí nhạc được chú ý phát triển một cách bài bản, tiêu biểu phải kể đến thời kỳ nhà Lý – Trần – Hồ và nhà Nguyễn. Với hơn một nghìn năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, có thể nói mọi mặt trong âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền Việt Nam đều ít nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc Trung Hoa như: thang âm; điệu thức; nhạc cụ; thể loại… Các dàn nhạc cung đình Việt Nam đều được xây dựng dựa theo cơ cấu của dàn nhạc cung đình Trung Hoa, đặc biệt là trong thời kỳ nhà Nguyễn. Dần dần, các yếu tố Trung Hoa cũng được Việt hóa tạo thành hệ thống bài bản của người Việt kết hợp những vốn sẵn có của dân tộc. Bên cạnh âm nhạc cung đình còn phải kể đến bộ phận âm nhạc chuyên nghiệp bình dân của những gánh hát, phường hát phát triển trên nền của âm nhạc dân gian làm tiền đề cho nhiều loại hình ca hát dân tộc sau này. Ngoài ra, ở một số vùng tồn tại những di sản văn hóa/âm nhạc của các tộc người sống tương đối tách biệt nên ít bị ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa như: vùng Tây Bắc, Tây Nguyên… hoặc Kh’mer Nam bộ.
Như vậy, khí nhạc Việt Nam đã xuất hiện từ lâu đời, ban đầu phổ biến là các nhạc khí gõ như: trống đồng, cồng chiêng; các nhạc khí hơi như: tù và, khèn… cho đến thời nhà Lý – Trần đã được bổ sung một số nhạc khí du nhập từ Trung Hoa và Ấn Độ. Âm nhạc cung đình đã sắp xếp tổ chức thành các dàn nhạc với sự tham gia của nhiều loại nhạc cụ: gõ, hơi, dây. Âm nhạc cung đình trong thời kỳ này vẫn quan hệ chặt chẽ với âm nhạc dân gian, được nhà nước phong kiến coi trọng. Mặc dù bắt đầu có sự tiếp thu của lý thuyết âm nhạc Trung Hoa, cho đến thời nhà Hồ đã ghi nhận được một số hệ thống về thang âm/điệu thức cũng như quan niệm bát âm trong dàn nhạc của người Việt. Theo tài liệu ghi chép lại [1:26, 27] thì bát âm của người Việt không trùng với bát âm Trung Hoa, đó là 8 loại tiếng có trong trời đất (Trung Hoa là 8 loại chất liệu cấu tạo); trong âm nhạc chuyên nghiệp đã có 5 loại nhịp được sử dụng với cấu tạo đa dạng.
Sau thời kỳ của nhà Hồ, đất nước ta lại rơi vào cuộc xâm lăng của nhà Minh, nhiều thành tựu văn hóa trong đó có âm nhạc bị mất mát. Cho đến khi nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi đất nước mới tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa. Lê Thái Tông đã chú ý đến chấn chỉnh nhạc lễ, tuy nhiên việc này đã gây ra tranh cãi giữa phái theo truyền thống dân tộc (Nguyễn Trãi chủ trì) với phái vọng ngoại theo Trung Hoa (Lương Đăng chủ trì). Do thắng thế, Lương Đăng đã đề xuất xây dựng các tổ chức/quy chế âm nhạc trong cung hoàn toàn theo cơ cấu của Trung Hoa (nhà Minh). Điều này đã khiến cho âm nhạc nói chung và khí nhạc (dàn nhạc) Việt Nam phát triển theo hướng mô phỏng lại Trung Hoa, xa rời với âm nhạc dân gian. Đến thời Lê Thánh Tông những sai lầm trong quan điểm của Lương Đăng mới được sửa chữa. Đề cao tinh thân dân tộc, các yếu tố của âm nhạc Trung Hoa được tiếp thu một cách có chọn lọc, tạo ra hệ thống lý thuyết âm nhạc riêng của người Việt. Tuy nhiên, do có nhiều hạn chế trong thể chế chính trị nên cho đến khoảng thế kỷ XVI – XVII âm nhạc dân gian đã phát triển mạnh, lấn át âm nhạc cung đình với các loại hình tiêu biểu như chèo, tuồng…Các tổ chức dàn nhạc đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là Đồng văn và Nhã nhạc, ngoài ra còn có Ty giáo phường và Đội bả lịnh trong phủ chúa Trịnh. Theo nhận xét của PGS-TS Nguyễn Thụy Loan thì giai đoạn này trống đồng vẫn theo sát cuộc sống của người Việt, một số nhạc khí Trung Hoa được đưa vào dàn nhạc cung đình thời Lê sau đó không thấy được nhắc đến trong sử sách.
Thời kỳ nhà Nguyễn có nhiều biến cố dẫn đến việc Nguyễn Ánh xây dựng lại chế độ phong kiến phản động lấy triều đình Mãn Thanh làm mẫu. Các tổ chức dàn nhạc ở thời kỳ trước bị xóa bỏ, thay thế bằng một loạt tổ chức dàn nhạc mới như: Cổ xúy đại nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty trúc lễ nhạc… Nhiều nhạc khí Trung Hoa không được nhắc đến ở thế kỷ trước nay lại mang ra sử dụng. Cùng với sự mở rộng lãnh thổ về phía Nam, văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng đã tiếp thu thêm nhiều yếu tố mới của các dân tộc anh em ngày càng phong phú, nhiều màu sắc. Có thể nói, thời Nguyễn có nhiều loại dàn nhạc với đa dạng thể loại nhất, ví dụ như: Giao nhạc; Miếu nhạc; Ngũ tự nhạc; Đại triều nhạc; Thường triều nhạc; Nhã nhạc; Yến nhạc; Tế nhạc… Điều này đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của khí nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn này.
Âm nhạc mới Việt Nam được hình thành là một tất yếu của lịch sử, đó là sự tiếp biến của văn hóa phương Tây, là một trong những phương tiện để hội nhập quốc tế. Ban đầu, âm nhạc mới cũng bắt đầu bằng ca khúc, từ việc sử dụng, thưởng thức các bài hát nước ngoài rồi tiến tới sáng tác theo phong cách phương Tây của các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đánh dấu một bước tiến mới vô cùng quan trọng cho âm nhạc Việt Nam. Cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm âm nhạc là một số nhạc cụ phương Tây cũng được đưa vào Việt Nam như: guitare, violin, accordeon, piano…,đó là cơ hội mới cho nền khí nhạc Việt Nam nói chung. Đặc biệt sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhiều điều kiện thuận lợi đã giúp khí nhạc Việt Nam phát triển vượt bậc ở mọi mặt. Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ được cử đi học tập ở nước ngoài…là những yếu tố tác động tốt cho hoạt động biểu diễn, sáng tác ngày càng nở rộ. Bên cạnh việc khôi phục lại hoạt động của dàn nhạc dân tộc, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã sưu tầm rất nhiều bài bản cổ cho nhạc cụ dân tộc biểu diễn. Giai đoạn nửa sau thế kỷ XX là thời kỳ hồi sinh của âm nhạc cổ truyền, ngoài biểu diễn các bài bản cổ nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ còn sáng tác những tác phẩm mới theo phương pháp châu Âu dựa trên chất liệu dân gian cho nhạc cụ dân tộc biểu diễn.
Giai đoạn 1954 – 1975 chủ yếu là các tác phẩm độc tấu với hình thức, kết cấu nhỏ (2, 3 đoạn đơn), chủ đề liên quan đến dân ca và âm điệu dân gian. Những nhạc cụ hay được các nhạc sĩ dùng làm phương tiện biểu hiện là: đàn Bầu, đàn Nguyệt, đàn Tranh, đàn Nhị, đàn T’rưng, Sáo trúc, Tỳ bà. Trong đó có những tác phẩm là chuyển soạn, có những tác phẩm sáng tác mới hoàn toàn theo chất liệu dân tộc. Có thể kể đến các sáng tác tiêu biểu như: Dòng kênh trong của Hoàng Đạm, Vì miền Nam của Huy Thục, Niềm tin tất thắng của Khắc Chí viết cho đàn Bầu; Tình quân dân của Xuân Ba, Quê ta, Vững một niềm tin của Xuân Khải viết cho đàn Nguyệt; Hương sen Đồng Tháp, Hát ru  của Xuân Khải, Bình minh trên rẻo cao Phương Bảo viết cho đàn Tranh; Tình quê hương, Kể chuyện ngày mùa của Thao Giang, Ước vọng của Thế Dân viết cho đàn nhị; Chim poongkle của Nhật Lai, Ca ngợi anh hùng Núp của Trần Quý, Suối đàn T’rưng của Trần Đáng viết cho đàn T’rưng; Lý hoài nam (dân ca Nam Trung bộ) do Đức Tùy, sau đó là Ngọc Phan và Nguyễn Văn Thương chuyển soạn cho Sáo trúc; Trống cơm (Quan họ), Mưa rơi (dân ca Khơ Mú), Lý thượng du (dân ca liên khu V), Chỉ một niềm tin được Mai Phương chuyển soạn và viết cho đàn Tỳ bà… [2:582-599] Còn rất nhiều những bản nhạc khác viết cho các nhạc cụ dân tộc độc tấu dựa trên chất liệu dân gian cổ truyền bằng phương pháp biến tấu hoặc sử dụng các yếu tố đặc trưng trong âm nhạc dân tộc. Hòa tấu dàn nhạc dân tộc cũng được chú ý phát triển, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc kế thừa và phát huy tinh hoa vốn cổ của âm nhạc cổ truyền. Năm 1962, Nhà nước ra quyết định thành lập Dàn nhạc dân tộc tổng hợp gồm 60 nhạc công, đây là điều kiện để sáng tạo ra những tác phẩm mới bên cạnh các bài bản cổ truyền. Một số tác phẩm tiêu biểu ở thời kỳ này như: Nông thôn đổi mới của Tô Vũ và Tạ Phước; Cánh chim và mặt trời (chuyển thể từ nhạc múa của Xuân Hòa); Biết ơn Võ Thị Sáu (chuyển thể từ ca khúc cùng tên của Nguyễn Đức Toàn); Cô gái Sông Hồng (Hoàng Đạm viết năm 1966); Chung một niềm tin (Xuân Khải viết năm 1968); tổ khúc Ông Gióng (Nguyễn Xuân Khoát viết năm 1971)… [2:606]
Giai đoạn sau 1975, đất nước thống nhất, đây là giai đoạn cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Văn học nghệ thuật nói chung đặt trước những nhiệm vụ to lớn trong sự nghiệp phát triển. Đảng và và Nhà nước hết sức quan tâm đến việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (theo Nghị quyết BCH Trung ương khóa VII). Âm nhạc Việt Nam thời kỳ này phát triển phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Từ công tác đào tạo, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn đều đạt được những thành quả to lớn. Công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền đã tạo sự thúc đẩy cho hoạt động sáng tác và biểu diễn của nhạc cụ dân tộc. Các tác phẩm hòa tấu cho nhạc cụ dân tộc xuất hiện nhiều hơn, các nhạc sĩ đã kết hợp phương pháp sáng tác châu Âu với các yếu tố đặc trưng của dân tộc tạo nên những tác phẩm lớn hơn về quy mô cũng như chất lượng nghệ thuật. Đa số các sáng tác mới trong thời kỳ này cho  nhạc cụ dân tộc đều mang ngôn ngữ hiện đại và tư duy khí nhạc, đồng thời có sự tiếp thu những tinh hoa và đặc trưng của âm nhạc truyền thống. Một số nhạc sĩ còn sử dụng kết hợp nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc giao hưởng hoặc nhạc cụ điện tử để làm mới cho âm hưởng dân tộc. Một số tác phẩm tiêu biêu có thể kể đến như: Trở về Tây Nguyên của Đỗ Lộc, Âm vang cao nguyên của Doãn Tiến viết cho đàn T’rưng; Khát vọng ba dan của Nguyễn Cường viết cho Đinh-pah và dàn nhạc; Thúy Kiều của Văn Thắng viết cho Tỳ bà và đàn dây đệm; Biển quê hương của Trần Quý viết cho đàn Bầu và dàn nhạc giao hưởng; Rừng đêm trăng của Phú quang viết cho năm loại sáo dân tộc Tây Bắc và dàn nhạc nhẹ; Bản hòa tấu số 1, Bản hòa tấu số 2 của Quang Hải viết đàn Tranh và dàn nhạc giao hưởng; Tiếng sáo giao thừa của Nguyễn Xuân Khoát, Âm vang Điện Biên của Huy Thục viết cho bộ gõ dân tộc… Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XIX xuất hiện một số sáng tác mang tính thể nghiệm cho nhạc cụ dân tộc của các nhạc sĩ trẻ như: Nhật Tân, Kim Ngọc, Mai Huệ…góp phần làm phong phú cho lĩnh vực nhiều tiềm năng này.
Như vậy, trải qua mỗi giai đoạn, âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và khí nhạc dân tộc nói riêng đều có những bước phát triển nhất định. Dựa trên cơ sở của âm nhạc cổ truyển, kết hợp với những yếu tố hội nhập và kỹ thuật sáng tác phương Tây đã tạo nên nền khí nhạc Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói, nền khí nhạc dân tộc Việt Nam đã sớm được hình thành. Ngay từ khi các nước trong khu vực vẫn còn hòa tấu chủ yếu là nhạc khí gõ thì ở Việt Nam đã có hòa tấu dàn nhạc dân tộc với biên chế tương đối phong phú. Ngoài những tác phẩm đậm chất dân tộc còn có những tác phẩm mang tính thể nghiệm với nhiều đột phá, cho dù chưa thực sự được đón nhận nhưng đã cho thấy sự sáng tạo lớn dựa trên tinh thần dân tộc. Trong những năm gần đây, khí nhạc dân tộc ngày cảng được chú trọng. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hoạt động biểu diễn cũng như sáng tác cho nhạc cụ dân tộc phát triển mạnh mẽ kể cả về số lượng và chất lượng. Trình độ thưởng thức của đông đảo khán giả đã được nâng cao là nguồn động viên, cổ vũ cho những nghệ sĩ, nhạc sĩ biểu diễn và sáng tác tác phẩm cho khí nhạc dân tộc. Dàn nhạc dân tộc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia) được thành lập vào năm 2009 là một bước tiến quan trọng cho sự phát triển của khí nhạc dân tộc Việt Nam. Hàng năm, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đều cho ra đời một số tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc của sinh viên sáng tác. Những tác phẩm này mặc dù chưa thực sự đạt đến độ sâu sắc trong bút pháp nhưng cũng đã thể hiện được sáng tạo trong phương tiện thể hiện và kỹ thuật diễn tấu của nhạc cụ.
Qua những vấn đề đã nêu trên, hoàn toàn khẳng định được rằng: khí nhạc dân tộc Việt Nam đã xuất hiện từ lâu đời. Nền khí nhạc Việt Nam được hình thành và phát triển dựa trên các cơ sở sau: Thứ nhất: Có chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển vốn cổ dân tộc. Thứ hai: có nguồn gốc từ lâu đời,  trải qua quá tình thăng trầm cùng với lịch sử đất nước, trên nền tảng của âm nhạc dân gian, nền khí nhạc Việt Nam đã tồn tại trong đời sống âm nhạc của dân tộc; Thứ ba: có đội ngũ sáng tác đông đảo được đào tạo chính quy ở trong và ngoài nước. Thứ tư: số lượng tác phẩm nhiều và chất lượng cao phục vụ cuộc sống chiến đấu sản xuất của nhân dân ta. Khí nhạc dân tộc là một bộ phận quan trọng trong âm nhạc Việt Nam nói chung, là vũ khí chính trị sắc bén trong các cuộc đấu tranh bảo vệ và thống nhất đất nước, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; Thứ năm: được công chúng đón nhận vì trình độ thưởng thức khán giả ngày càng cao.
Với những hướng phát triển đúng đắn, với sự nỗ lực trong mọi mặt từ sáng tác, biểu diễn cũng như lý luận/phê bình, nền khí nhạc dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ có một vị trí vững vàng trong nền âm nhạc Việt Nam nói chung cũng như trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Thụy Loan (1993),Lược sử âm nhạc Việt Nam, NXB Âm nhạc, Hà Nội.
2.    Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam – tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
3.    Trần Quý (2004), Những vấn đề phối khí cho dàn nhạc dân tộc hiện đại, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
4.    Tô Ngọc Thanh (2004), Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu Lý luận và phê bình – Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, Tập 2A+B, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
5.    Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

Keep Reading

PreviousNext

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *