Thời đại phục hưng trong lịch sử nghệ thuật Châu Âu kéo dài trong ba thế kỷ XIV, XV và XVI; là thời kỳ của những biến đổi cách mạng trong đời sống chính trị – xã hội, trong hệ tư tưởng và văn hoá.
Từ thế kỷ XIV chế độ phong kiến đã đi vào giai đoạn cuối của mình, giai cấp phong kiến đã suy tàn, họ không còn là lực lượng lãnh đạo trong đời sống xã hội – kinh tế và văn hoá. Các trung tâm kinh tế văn hoá phát triển mạnh ở các thành thị; giai cấp tư bản ra đời cùng với quan hệ tư bản chủ nghĩa. Giai cấp tư sản với các tiêu chuẩn thẩm mỹ và quan điểm của mình đã tạo nên nền văn hoá khác với văn hoá của chế độ phong kiến. Giai đoạn đầu trong bước ngoặt của nền văn hoá này là nền văn hoá phục hưng, bắt đầu từ thế kỷ XIV và phát triển cao nhất ở thế kỷ XVI.
Các cuộc khởi nghĩa của nông dân và các phong trào cách mạng giữ vai trò lớn, để xóa bỏ các trật tự phong kiến và khẳng định mối quan hệ tư bản chủ nghĩa. Các cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến trong hàng loạt các nước như ở: Đức, Tiệp, Pháp … được hoàn thành dưới hình thức phong trào tôn giáo như các phong trào cải cách tôn giáo ở các nước này. Cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến là kiên trì lâu dài và kết thúc ở thế kỷ XVIII với cuộc Cách Mạng tư sản Pháp 1789. Cuộc đấu tranh này dẫn đến cuộc đấu tranh tư tưởng giữa giai cấp tư sản với giai cấp phong kiến và nhà thờ. Những quan điểm cũ về thế giới trong nhận thức của con người bị phá bỏ. Đó là cuộc đấu tranh giữa tinh thần duy vật với tinh thần duy tâm, thoát khỏi những qui tắc, lễ giáo của nhà thờ và xây dựng thế giới quan mới. Hệ tư tưởng của văn hoá phục hưng về bản chất là chủ nghĩa nhân đạo. Nó thấm đượm trong tất cả các lĩnh vực văn hoá và sinh ra khuynh hướng mới trong bước ngoặt của khoa học, triết học, văn học và nghệ thuật.
Nội dung chính của chủ nghĩa nhân đạo là cuộc đấu tranh chống lại sự chuyên chính, độc tài của nhà thờ và những thể chế hủ bại của giai cấp phong kiến; đề cao giá trị con người, đòi quyền tự do cá nhân, sự bình đẳng, khẳng định quan điểm lạc quan về thế giới, niềm tin vào sự tiến bộ và tương lai sáng lạn. Một trong những mặt tiến bộ nhất của văn hoá phục hưng là phản ánh trong đó tư tưởng tự do và niềm vui từ cuộc sống thực sự trên trái đất. Chủ nghĩa nhân đạo đề cao sự sáng tạo cá nhân, tìm thấy sự phong phú và vẻ đẹp của thiên nhiên, nhấn mạnh sự độc đáo không lặp lại. Tính cảm xúc và sự độc đáo đó là phẩm chất của nghệ thuật phục hưng.
Nghệ thuật phục hưng có khuynh hướng hiện thực; chủ đề thế tục chiếm phần lớn trong đó, yếu tố truyền thống nhà thờ yếu hơn. Ngay cả những đề tài tôn giáo cũng thấm đượm những hình tượng và chủ đề nhân văn mới. Các phong trào cách mạng quần chúng nhân dân, các khuynh hướng chống đối nhà thờ và cao trào chung của các dân tộc dẫn tới sự phát triển sáng tác dân gian; trở thành nguồn gốc tiến bộ cho bước ngoặt của âm nhạc chuyên nghiệp độc đáo. Từ thời phục hưng, sự sáng tạo đã mang tên tác giả, cho cả thơ ca, hội họa cũng như các thể loại khác nhau của âm nhạc và từ đó có thể phát hiện ra những phong cách sáng tạo cá nhân riêng biệt.
Nghệ thuật phục hưng còn khai thác các chủ đề và tiêu chuẩn về cái đẹp đã có từ thời cổ đại.
Những người thể hiện các quan điểm cách mạng phục hưng và những nhà sáng tạo của văn hóa nhân văn là những người đại diện của khoa học, triết học, văn học và âm nhạc. Từ quan điểm nhân đạo, thấm đượm trong triết học của Thelezio (Tê-lê-giô) và Giordano Bruno (Gióc-đa-nô Bru-nô), quan điểm khoa học của Copernic (Cô-per-ních) và GalilEe (Ga-li-lê), thơ ca của Dante (Đăng-tơ), Giovanni Boccace (Giô-va-ni Bô-ca), Tasso (Ta-xô),PEtrarque (Pê-trác-cơ), những bức họa nổi tiếng của LEonard de Vinci (Lê-nác-đờ Vanh-xi), Raphael (Ra-pha-en), những bức điêu khắc nổi tiếng của Michel-Ange (Mi-ke-lan-giơ). Khuynh hướng phục hưng trong âm nhạc đi từMachaux (Ma-sô) và kết thúc với Josquin Desprez (Giô-xcanh Đê-Prê) Orlando de Lassus (Óc-lăng-đô đờ La-xuyx), Palestrina (Pa-le-xtri-na) và Monteverdi (Mông-tơ-vec-đi).
Quan điểm phục hưng được phản ánh đặc biệt phong phú trong nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc thay đổi các khuynh hướng và nội dung, phong phú bằng các đề tài, chủ đề và hình tượng mới. Hiệu quả âm nhạc nhà thờ bộ thu hẹp. Ngay cả loại nhạc nhà thờ có tính nghiêm khắc nhất trước đây, cũng thấm đượm tư tưởng nhân văn như Messa. Loại hình văn hoá ca khúc thành thị phát triển và âm nhạc chuyên nghiệp đã dựa vào loại hình này, cũng như những giai điệu và tiết tấu từ âm nhạc dân gian. Dân ca còn được đưa vào Cantus firmus (Căng-tuyx-phi-rmuyx), thể loại âm nhạc phức điệu lớn của âm nhạc nhà thờ. Sự nổi bật trong âm nhạc thời phục hưng là tính ca xướng. Âm nhạc biểu hiện cảm giác nội tâm của con người, do vậy nó có cá tính hơn và có màu sắc rõ nét. Các nhạc sĩ trong khi phản ánh thế giới tình cảm phong phú của con người, đồng thời cũng phát hiện thấy các phương tiện diễn tả âm nhạc đa dạng hơn. Từ các tác phẩm thanh nhạc được trở thành tác phẩm cho nhạc đàn – hát và đến cuối thế kỷ XIVphong cách nhạc đàn độc lập đã phát triển. Cơ sở điệu thức âm nhạc được bổ sung thêm những nhân tố mới. Điệu thức tự nhiên chiếm độc tôn trong âm nhạc thời trung cổ, nay bổ sung thêm hệ thống điệu thức trưởng, thứ. Ở thế kỷ XV-XVI là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của âm nhạc phức điệu và dần xuất hiện phong cách hoà âm – chủ điệu.
Vấn đề gần gũi giữa âm nhạc và thơ ca là một trong những vấn đề quan trọng của mỹ học thời phục hưng. Từ đó dẫn tới sự phục hồi truyền thống thơ ca – âm nhạc cổ đại. Kịch cổ đại là mẫu mực của việc tổng hợp hoàn thiện giữa thơ ca và âm nhạc. Để đạt được nội dung sâu sắc và kịch tính hơn, trong âm nhạc đã nảy sinh nghệ thuật opEra ở thế kỷ XVII.
Văn hóa phục hưng theo niên đại, được khẳng định từ giữa thế kỷ XV và tiếp tục đến đầu thế kỷ XVIII. Song, những dấu hiệu của nghệ thuật phục hưng đã xuất hiện ở nền âm nhạc ở Ý và Pháp ngay từ thế kỷ XIV và được gọi là nghệ thuật mới. Địa dư của nền âm nhạc phục hưng được mở rộng nhiều so với thời trung cổ.
Nền nghệ thuật phục hưng diễn ra chủ yếu ở Châu Âu trong khi đó các nền văn hoá của nhiều nước Châu Á, Châu Phi trong thời kỳ của chế độ phong kiến. Trên thế giới từ cuối thế kỷ XV nhiều phát hiện mới về địa lý đã tạo ra những khả năng thuận lợi cho sự giao lưu, buôn bán giữa các châu lục: Âu – Phi – Á – Mỹ. Song song, là những cuộc di dân lớn, những hoạt động truyền bá tôn giáo và những cuộc xâm chiếm đất đai, buôn bán nô lệ. Từ thời gian này cũng đã mở đầu cho những thời kỳ mới của sự giao thoa giữa các nền văn hoá khác nhau của các dân tộc ở các châu lục trên hành tinh trái đất, đặc biệt là Châu Mĩ.
(Theo Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Phương Hoa)
Bình luận