GS.TSKH. TÔ NGỌC THANH
Dân tộc Việt Nam hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nó bao gồm nhiều thành phần, ít nhiều có khác nhau về phong tục tập quán, nhưng họ đều là con một gốc, đều thuộc vào chủng tộc Nam Á. Thành phần dân tộc Việt Nam có thể ví như một hình cánh quạt mà trung tâm là người Việt.
Nền âm nhạc dân tộc cổ truyền nước ta cũng phản ánh tính chất dân tộc đó. Nó mang những đặc điểm Việt Nam nói chung, được các thành phần dân tộc xây đắp nên trong quá trình bốn ngàn năm lịch sử (() Các công trình nghiên cứu âm nhạc bước đầu đã cho thấy sự thống nhất trong âm nhạc các thành phần dân tộc Việt Nam về nhiều mặt cơ bản. Chúng tôi mong có dịp trình bày sâu hơn về vấn đề này.). Mặt khác, nền âm nhạc dân tộc đó lại phong phú về màu sắc địa phương và màu sắc dân tộc Việt Nam.
Nhìn chung nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam gồm hai thành phần lớn() Do điều kiện lịch sử, có thành phần dân tộc chỉ có âm nhạc dân gian.. Thành phần thứ nhất do nhân dân lao động sáng tạo và trình diễn, thường gọi là âm nhạc dân gian hay âm nhạc truyền miệng. Thành phần thứ hai do các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn, thường gọi là âm nhạc chuyên nghiệp. Trong hai thành phần này, âm nhạc dân gian chiếm tỷ trọng lớn, có vai trò cơ sở. Âm nhạc chuyên nghiệp có nguồn gốc từ âm nhạc dân gian. Giữa hai loại âm nhạc này luôn luôn có sự chuyển hoá, bổ sung lẫn cho nhau nhiều tầng, nhiều lần và theo cả hai chiều, làm cho chỉnh thể nền âm nhạc dân tộc ngày càng hoàn chỉnh và phong phú hơn. Mặt khác, mỗi loại âm nhạc đó lại có những chức năng xã hội và những đặc điểm riêng mà loại kia không có được. Chúng ta tạm chia ra làm hai thành phần âm nhạc dân tộc như trên để dễ tiến hành công tác nghiên cứu, chứ trên thực tế, ranh giới giữa chúng không phải bao giờ cũng rõ ràng. Trong bài này, chúng tôi trình bày một cách sơ lược nhất về các đặc điểm cơ bản của âm nhạc dân gian.
1. Chúng ta biết, trong đời sống của nhân dân lao động có tồn tại một loại hình nghệ thuật dân gian mà thuật ngữ quốc tế thường gọi là phônclo (Folklore). Phônclo là sáng tác nghệ thuật của nhân dân lao động trong suốt chiều dài lịch sử của một khối cộng đồng người nhất định. Nó là sản phẩm của số đông trong xã hội. Mà số đông đó bao giờ cũng là những người sản xuất ra của cải vật chất. Do đó, đặc điểm quan trọng nhất của phônclo là ở chỗ nó mang bản chất xã hội. Cuộc sống lao động là một chỉnh thể đa dạng. Họ đã sử dụng cùng một lúc các phương tiện nghệ thuật khác nhau để diễn tả cuộc sống đó trong phônclo. Vì thế phônclo là một loại nghệ thuật đa thành phần.
Theo yêu cầu diễn tả nghệ thuật, trong một tác phẩm phônclo thường có sự tham gia đồng bộ của thơ ca, âm nhạc (gồm giai điệu bài ca và phần nhạc đàn), múa, trò diễn hoá trang và cả các nghi thức nữa. Đó là hình thái cổ xưa nhất của phônclo mà tất cả các nhà nghiên cứu xã hội học, dân tộc học và âm nhạc học đều nhận thấy: “ở cái thuở xa xưa, bài ca, bài nhạc đàn, lời thơ và điệu múa là một chỉnh thể thống nhất” (1)… Hình thái này thể hiện đặc trưng trong phương pháp phản ánh thực tại của phônclo, được gọi là đặc trưng tổng thể nguyên hợp (Syncretisme). Ngày nay ta thấy không phải bất cứ tác phẩm phônclo nào cũng đều sử dụng đầy đủ các thành phần nghệ thuật, song tổng thể nguyên hợp là một đặc trưng có tính chất lượng, do bản chất xã hội của phônclo quyết định, chứ không phụ thuộc vào chỗ có bao nhiêu thành phần nghệ thuật tham gia vào.
Như thế, thực ra không có một thứ âm nhạc dân gian được xét với tư cách là một nghệ thuật đơn lập. Âm nhạc dân gian mà ta nói đến ở đây là một thành phần của khối nguyên hợp. Do đó, nó mang đầy đủ các đặc điểm của phônclo. Mặt khác, nó là thứ nghệ thuật dùng âm thanh và nhịp điệu làm phương tiện diễn tả, nên nó có những quy luật phát triển riêng của âm nhạc. Những quy luật này vừa chịu sự chi phối, lại vừa tác động lẫn nhau với các quy luật phát triển của các nghệ thuật thành viên khác trong chỉnh thể phônclo. Tình hình đó buộc ta phải xem xét âm nhạc dân gian trong mối tương quan về mọi mặt với các nghệ thuật phônclo khác.
2. Âm nhạc dân gian mang bản chất xã hội. Nó là sản phẩm của số đông trong xã hội, trước Cách mạng tháng Tám vốn là… “quần chúng lao động và bị bóc lột, mà những điều kiện sinh sống tất nhiên phải làm phát sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa” (2) . Nó phản ánh tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của người lao động, nảy sinh ra ngay trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội của họ. Ta có thể thấy rõ tính dân tộc và tính nhân dân trong âm nhạc dân gian. Âm nhạc dân gian bày tỏ những quan điểm lành mạnh, trong sáng là cơ bản, song nó cũng phản ánh cả những thiên kiến lịch sử của người lao động.
3. Âm nhạc dân gian được sáng tác và trình diễn gắn liền với những hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội cụ thể của người lao động. Mỗi thể loại âm nhạc dân gian bao giờ ban đầu sinh ra cũng nhằm phục vụ một công việc hay một hoạt động nào đó trong đời sống nhân dân. Ta nói âm nhạc dân gian có tính thực hành xã hội. Tính thực hành xã hội biểu hiện trong những quy phạm về chức năng xã hội, về nội dung xã hội được phản ánh, về đặc trưng sắc thái và các thủ pháp sáng tác của các thể loại và các tác phẩm. Đồng thời, nó thường được chỉ rõ ngay trong tên gọi của nhiều thể loại, chẳng hạn như Hò giã vôi, Hò giã gạo, Hò giật chì, Hò chèo thuyền v.v… Song tính thực hành xã hội biểu hiện ở các thể loại âm nhạc dân gian không giống nhau. Có thể có hai cấp độ biểu hiện chính của tính chất này. Đối với các thể loại âm nhạc dân gian được sáng tác và trình diễn cùng một lúc với một hoạt động cụ thể nào đó thì tính thực hành xã hội được biểu hiện trực tiếp, như trong các thể loại hát lao động các loại hò, hát ví… và trong một vài thể loại hát sinh hoạt như hát ru. Ở các thể loại này, âm điệu và nhịp điệu thể hiện tâm tư, tình cảm nảy sinh trực tiếp trên hoạt động cụ thể đó, thậm chí còn mang dấu vết nhịp điệu của nó nữa. Nhịp diệu lao động trong nhiều bài ca lao động và nhịp đưa nôi trong hát ru là những dẫn chứng.
Tính thực hành xã hội được biểu hiện gián tiếp trong các thể loại âm nhạc, diễn lại một hay một nhóm những hoạt động cụ thể của con người. Biểu hiện này thường gặp trong các thể loại âm nhạc dân gian tham gia vào các tế lễ, đình đám, hội hè và phần nào trong đồng dao. ở đây ta ít thấy dấu vết âm điệu và nhịp điệu thực của hoạt động cụ thể trong âm nhạc. Thực tại được phản ánh bằng cách khái quát hoá, cách điệu hoá với trí tưởng tượng phong phú, với sự chọn lọc theo quy luật của cái đẹp nhiều hơn. Ví dụ như trong lễ cầu mưa của một số tộc người Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, tiếng trống giả làm tiếng sấm, tiếng que cứng quẹt lên mặt một cái mẹt giả làm tiếng mưa rơi rào rào, các lá phướn phất đi phất lại giả làm gió, đều được làm với niềm tin rằng những cái đó sẽ trở thành những gợi ý, thành hình mẫu mà con người muốn điều khiển thiên nhiên làm theo. Nhưng tất cả các biện pháp đó đều tuân theo một nhịp điệu âm nhạc chi phối cùng một lúc cả nhịp điệu của bài hát cầu mưa nữa (3). Nhịp điệu đó chứng minh rằng lễ cầu mưa không đơn thuần là một hoạt động tín ngưỡng, mà còn thể hiện ý chí của con người thời xưa muốn chiếm lĩnh thiên nhiên, thông qua sự thâu tóm một cách nghệ thuật cái nhịp điệu và âm điệu bản chất nhất của cơn mưa. Tất nhiên, đó là cách chinh phục thiên nhiên với niềm tin thiếu khoa học và ngây thơ, song nó không làm mờ đi phẩm chất sáng tạo nghệ thuật của tổ tiên ta.
4. Nhưng dù cho âm nhạc dân gian có gắn liền với đời sống sản xuất và sinh hoạt xã hội chặt chẽ đến đâu đi nữa, nó vẫn không phải là chính những hoạt động đó. Âm nhạc không sao chép cuộc sống, mà phản ánh, miêu tả cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật âm nhạc thông qua phương tiện diễn tả của mình là âm điệu và nhịp điệu. Do đó âm nhạc dân gian là một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Sở dĩ gọi như vậy vì nó là loại nghệ thuật có mang tính thực hành xã hội như đã nói ở trên. Nó còn là nghệ thuật đặc biệt do chỗ nó không xuất hiện với tư cách một nghệ thuật đơn lập, mà nó thường được sáng tác và trình diễn trong mối quan hệ với các nghệ thuật dân gian khác, trước hết là với các nghệ thuật có đặc trưng nhịp điệu như thơ ca và múa dân gian. Một bài dân ca có phần lời là thơ ca dân gian và phần giai điệu. Có trường hợp, bài dân ca cùng trình diễn với điệu múa, nhạc đệm và trò diễn nữa.
5. Giống như các nghệ thuật dân gian khác, âm nhạc dân gian không tồn tại dưới dạng văn bản. Nếu có nhạc sĩ nào đó ghi lại một bài dân ca, dân nhạc nào đó thì anh ta cũng chỉ ghi lại được bức ảnh trong khoảnh khắc của bài đó mà thôi. Âm nhạc dân gian nằm trong trí nhớ của mỗi người dân trong một xã hội nhất định, vốn có một truyền thống âm nhạc nhất định. Nó được tồn tại, lưu truyền trong tiềm thức của toàn dân như một năng lượng trí tuệ tiềm tàng của cả một xã hội. Nó chỉ xuất hiện ra cõi đời này trong giây phút khi mà nó được người dân trình diễn ra. Ta nói, nó mang tính trình diễn. Tuy vậy, sự trình diễn này không giống như sự biểu diễn một tác phẩm âm nhạc ngày nay. Người lao động trình diễn âm nhạc dân gian là do sự thúc đẩy của nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, nó nảy sinh ra trong quá trình lao động và sinh hoạt tinh thần của người lao động. Do đó, tất cả những người có mặt đều là những thành viên tham gia trình diễn. Mỗi quan hệ của họ với tác phẩm được trình diễn là chủ động, chứ không phải thụ động, thụ hưởng.
Trình diễn âm nhạc dân gian còn là quá trình sáng tác tại chỗ nữa. Tất nhiên người hát có thể đưa ra một bài mới, chưa từng có trong vốn âm nhạc dân gian của họ, nhưng trường hợp ấy hiếm thấy và nếu có thì bài ca đó cũng có nguốn gốc từ các bài ca đã có. Thông thường, người hát sử dụng những làn điệu, những bài bản có sẵn rồi đặt lời mới hoặc thêm thắt, sửa chữa (4) . “Đặt vè, bẻ vần” hay “Hò lên” chính là sáng tác. Trình diễn để tự bộc bạch tâm tư mình và kêu gọi mối đồng cảm của bà con là cơ sở tâm lý để đưa đến sáng tác tại chỗ. Như vậy, trình diễn được quyết định bởi bản chất xã hội của âm nhạc dân gian. Có thể xem trình diễn như là một phẩm chất mỹ học của âm nhạc dân gian.
6. Quá trình trình diễn một tác phẩm âm nhạc dân gian lại cũng là lúc nó được truyền bá. Những người tham gia sẽ ghi nhớ nó trong tiềm thức, đặt nó vào cái vốn âm nhạc dân gian của riêng họ. Nó sẽ biến thành của cải của xã hội và được giữ gìn trong trí nhớ mỗi thành viên của xã hội đó. Ta nói, âm nhạc dân gian được lưu truyền theo cách truyền miệng. Chúng ta không tán thành quan điểm xem tính truyền miệng như là một biểu hiện về sự dốt nát và kém học thức của quần chúng lao động. Chính bản chất xã hội và tính thực hành xã hội của âm nhạc dân gian đã quyết định phương thức truyền miệng. Lối lưu truyền văn bản học không phù hợp với bản chất của âm nhạc dân gian, nó làm xơ cứng khả năng sáng tạo phong phú của quần chúng.
Nếu âm nhạc dân gian là của cải chung của xã hội mà mỗi người đều có quyền sở hữu, nếu người dân trình diễn nó nhằm thoả mãn nhu cầu nghệ thuật tại chỗ của họ, nếu họ thấy việc thêm thắt, sửa chữa theo ý riêng các bài bản truyền miệng là hợp lý, thì thực ra họ không cần lối lưu truyền văn bản học. Lối truyền miệng chỉ gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu ngày nay mà thôi. Họ không còn đủ tư liệu để phác hoạ ra lịch trình của âm nhạc dân gian trong lịch sử. Nhưng theo quy luật phát triển nội tại của âm nhạc dân gian, sự đào thải các thể loại hoặc các tác phẩm dở, lỗi thời hoặc không còn đáp ứng với nhu cầu nghệ thuật của người dân; việc các tác phẩm luôn ở trạng thái biến động là phù hợp với lôgic. Trong qúa trình sàng lọc tự nhiên đó, những đặc trưng cơ bản thường được cô đọng lại thành những hạt nhân bền vững, có tính chất truyền thống. Chính nhờ đó mà các nhà nghiên cứu có thể dùng phương pháp lịch đại mà tìm ra tiến trình của sự vật trên cơ sở tư liệu đồng đại.
7. Do được lưu truyền theo cách truyền miệng, do chỗ quá trình trình diễn cũng là qúa trình sáng tác, nên các tác phẩm âm nhạc dân gian luôn ở trong tình trạng biến động. Một bài dân ca do cùng một người hát vào những lúc khác nhau đều không giống nhau. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp về tâm sinh lý, về hoàn cảnh cá nhân người hát và tình trạng môi trường v.v… Đó là chưa nói đến một bài dân ca do nhiều người hát thì sự khác nhau càng rõ ràng. Cái sự “tam sao thất bản” này không phải là một biểu hiện thấp kém về giá trị nghệ thuật của âm nhạc dân gian. Ngược lại, nó thể hiện tài năng sáng tạo vô cùng phong phú của quần chúng lao động. Qua mỗi lần hát, qua mỗi người hát, bài ca được gọt rũa thêm mãi. Nếu bài dân ca được cả một dân tộc hát thì tức là nó được cả một dân tộc sáng tác ra nó, mà quá trình sáng tác này sẽ diễn ra suốt cuộc sống của nó. “Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”. (5) Tình trạng trên dẫn đến tính dị bản và nó là phương thức chọn lọc và tồn tại của âm nhạc dân gian. Do đó, chúng ta sẽ mất công vô ích khi ta định đi tìm cái gọi là “bản gốc” của một bài dân ca. Sẽ không sao xác định được, một bài dân ca chẳng hạn, đã ra đời vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào, do ai đưa ra và lúc đó nó ở hình dạng nào? Vả chăng, việc làm đó phỏng có ích gì khi bài dân ca ấy đến tay chúng ta thì nó đã trải qua cuộc sống đầy biến động trong nhiều thế kỷ, khi mà nó đã là kết quả sáng tạo của bao nhiêu thế hệ? Có chăng, chúng ta sẽ tìm được một hay một số dị bản, mà qua công tác nghiên cứu so sánh, ta thấy nó chứa đựng được nhiều đặc điểm chung và đẹp nhất của tất cả các dị bản mà ta có. Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề trong mối quan hệ giữa cái chung, cái riêng và cái đặc thù.
8. Nếu âm nhạc là của cải chung của xã hội mà mỗi thành viên đều có quyền sở hữu, sử dụng và sửa chữa thì tất nhiên vấn đề quyền tác giả (theo nghĩa như ta hiểu ngày nay) không cần đặt ra. Vì thế âm nhạc dân gian có tính tập thể hay tính khuyết danh. Nếu suy luận theo lôgíc thì cố nhiên, bài dân ca chẳng hạn, tất phải được một người nào đó đưa ra đầu tiên. Nhưng ta nói nó không có tác giả, hay đúng hơn, tác giả của nó là tập thể nhân dân lao động, là ở chỗ này: Thứ nhất, các tác phẩm âm nhạc dân gian phần lớn được sáng tác tức thời và tại chỗ. Kết quả nghiên cứu và quan sát tại thực địa cho thấy, khi ứng tác, người hát thường sử dụng một cách có biến hoá các chất liệu âm nhạc dân gian của địa phương mình để cấu tạo bài mới. Như vậy, ngay khi ra đời một tác phẩm âm nhạc dân gian đã có mối liên hệ nguồn gốc với toàn bộ vốn âm nhạc dân gian thành hình trước đó. Thứ hai, là điều quan trọng hơn, sau khi ra đời các tác phẩm mới sẽ được mọi người ghi nhớ, nếu nó đáp ứng được một yêu cầu nghệ thuật nào đó của họ. Nó sẽ được nhập vào vốn âm nhạc dân gian của một cộng đồng người nhất định và trở thành của họ, và chỉ có như thế nó mới trở thành dân ca. Người sáng tác không có yêu cầu ghi nhớ công đầu của họ. Niềm vui sướng và vinh quang của họ là ở chỗ bài hát của họ được nhân dân ưa chuộng và ghi nhớ. Trong hoàn cảnh tâm lý xã hội như vậy, vấn đề “quyền tác giả” đặt ra sẽ trở nên xa lạ.
9. Những đặc điểm của âm nhạc dân gian vừa trình bày trên cũng là đặc điểm chung của các nghệ thuật dân gian trong chỉnh thể phônclo. Song những đặc điểm ấy thể hiện trong mỗi loại nghệ thuật thành viên không giống nhau. Điều đó tuỳ thuộc vào đặc điểm về phương tiện diễn tả nghệ thuật của mỗi nghệ thuật. Âm nhạc dân gian là nghệ thuật dùng nhịp điệu và âm thanh để xây dựng hình tượng nghệ thuật, phản ánh cuộc sống con người. Nhịp điệu và âm thanh là vật liệu, là phương tiện phản ánh thực tại, và nhờ đó, âm nhạc khác biệt với các nghệ thuật khác. Những đặc điểm về phương tiện diễn tả nghệ thuật của âm nhạc cũng giúp ta tìm được vị trí và mối quan hệ về hình thái của nó trong chỉnh thể các nghệ thuật dân gian. Ta biết, âm nhạc được trình diễn trong thời gian. Mỗi tác phẩm chiếm lĩnh một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian được tổ chức theo yêu cầu diễn tả nghệ thuật. Đó chính là nhịp điệu (6). Các nghệ thuật thành viên khác của chỉnh thể phônclo như thơ ca, múa cũng diễn ra trong thời gian. Chúng cũng là những nghệ thuật nhịp điệu.
Trong trình diễn phônclo, thường thường nhịp điệu âm nhạc trở thành trung tâm, có vai trò “điều độ viên” cho sự phối hợp các yếu tố nghệ thuật. Cố nhiên thơ ca và múa cũng có nhịp điệu riêng và đặc điểm về nhịp điệu của chúng cũng tác động vào nhịp điệu âm nhạc. Do đó, cần phải xem xét nhịp điệu âm nhạc trong mối quan hệ qua lại với nhịp điệu các nghệ thuật khác. Âm thanh là phương tiện diễn tả nghệ thuật cơ bản thứ hai của âm nhạc. Trong chỉnh thể phônclo Việt Nam, nó có quan hệ chặt chẽ với lời ca. Tiếng nói của nhiều thành phần dân tộc nước ta có thanh điệu (thể hiện thông qua các dấu giọng). Nhờ đó, dòng lời nói vốn đã có một mức độ trầm bổng nhất định. Trong âm nhạc nói chung, nhưng đặc biệt trong dân ca, dòng trầm bổng của thanh điệu có một ý nghĩa quan trọng đối với cấu tạo của giai điệu. ở những bài dân ca cổ và đơn giản, thậm chí, dòng trầm bổng của thanh điệu trong ca từ còn là cơ sở để trên đó dòng trầm bổng của giai điệu được xây dựng. Giai điệu âm nhạc không đi ngược dòng trầm bổng của thanh điệu nhưng không vì thế mà nó bị câu thúc. Ngược lại, một mặt giai điệu âm nhạc vẫn bảo đảm mối tương quan cao độ giữa các thanh điệu trong ca từ, mặt khác lại vẫn phát triển thuận lợi theo những quy luật riêng của âm nhạc.
10. Giá trị nhiều mặt của âm nhạc dân gian là điều không còn ai nghi ngờ. Trong âm nhạc dân gian có in dấu của cả quá trình lịch sử phát triển ngôn ngữ âm nhạc của một cộng đồng người nhất định. Nhiều nhạc sĩ sáng tác lớn của nhân loại đã công nhận rằng trong nhiều tác phẩm của họ có những yếu tố mang nguồn gốc âm nhạc dân gian. Glinka còn nói: “Nhân dân mới là người sáng tác, chúng ta, những nhạc sĩ sáng tác, chỉ là những người xếp soạn lại (7). . Trong đời sống của chúng ta ngày nay, âm nhạc dân gian không mất đi cái giá trị rực rỡ của nó. Trái lại, với quan điểm Macxit, hơn bao giờ hết trong lịch sử, âm nhạc dân gian được nhìn nhận đúng đắn nhất. Những “Inh lả ơi”, “Người ơi, người ở đừng về”v.v… vẫn làm chúng ta rung động với tất cả chất lượng nghệ thuật của chúng.
Rất nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước, rất nhiều câu nói nổi tiếng của các lãnh tụ ta đã thể hiện sự trân trọng đặc biệt với vốn văn hoá cổ truyền, trong đó có âm nhạc dân gian, coi đó là một cơ sở quan trọng để trên đó chúng ta xây dựng nền âm nhạc “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Song ta cũng biết âm nhạc là một hiện tượng thuộc các hình thái ý thức xã hội. Nó không phải nhất thành bất biến, mà mang tính lịch sử. Các tác phẩm âm nhạc dân gian luôn biến đổi theo những yêu cầu của lịch sử phát triển dân tộc. Nhiệm vụ chúng ta ngày nay là phải thừa kế vốn âm nhạc dân gian do ông cha để lại theo phương châm “học xưa vì nay”. Thái độ xem thường hoặc tuyệt đối hoá âm nhạc dân gian đều là thiếu biện chứng, dẫn đến sự phủ nhận hoặc thần thánh hoá truyền thống. Song muốn thừa kế vốn âm nhạc dân gian, ta cần hiểu biết nó kỹ càng, thông qua công tác sưu tầm, nghiên cứu. Đối với công việc này, cần có một quan điểm nghiên cứu đúng đắn. Cần phải xem xét âm nhạc dân gian trong trạng thái vân động của nó. Sự phát sinh, phát triển, biến đổi hay tàn lụi của mỗi thể loại, mỗi tác phẩm đều có những nguyên nhân sâu xa trong lịch sử đời sống của nhân dân ta. Điều quan trọng có ý nghĩa phương pháp luận là ở chỗ, chúng ta phải nhận thức đối tượng nghiên cứu trong môi trường xã hội và nghệ thuật của nó; từ đó, chúng ta mới có thể xác định được một hệ thống các phương pháp công tác tối ưu.
Trên đây chúng tôi trình bày hết sức sơ lược về những đặc điểm cơ bản của âm nhạc dân gian. Nói “hết sức sơ lược” là bởi mỗi vấn đề nêu ở đây đều có phạm vi rộng, có mối quan hệ nhiều mặt với các hiện tượng văn hoá vật chất và tinh thần khác trong cả chiều dài lịch sử. Mỗi vấn đề đều đòi hỏi phải trở thành những công trình nghiên cứu nghiêm túc và cặn kẽ.
(PM sưu tầm)
———————————————-
Chú thích: (1) H.Combarieu: “Historie de la musique. De orgines au début du XXè sìecle” Tome I Paris. 1913. pp. 22-23
(2) V.I.Lênin:Bàn về văn họcnghề thuật.Nxb Sự thật.Hà nội.1971.Tr.171
(3) Do bài này có tính chất giới thiệu khái quát,chúng tôi không dẫn ra những ví dụ cụ thể
(4) Ứng tác trong sinh hoạt âm nhạc dân gian là cả một chuyên đề cần đi sâu sau này
(5) Hồ Chí Minh: Bàn về văn hóa văn nghệ.Nxb Văn hóa và nghệ thuật.Hà nội.1963.Tr. 105
(6) Mốiquan hệ về nhịp điệu và âm điệu giữa âm nhạc và các nghệ thuật dân gian khác cũng là những vấn đề rộng lớn,cần có những chuyên đề.
(7) Glinka: Toàn tập. Tập II.Nxb Âmnhạc.Matxcơva.1962.
Bình luận