1. Phần mềm chép nhạc
Là các phần mềm dùng để chép các bản nhạc phục vụ cho việc biên tập các sách nhạc, giáo trình, ví dụ dẫn chứng trong bài viết v.v… Hiện nay có khá nhiều phần mềm có thể chép nhạc, chúng tôi xin giới thiệu một số phần mềm phổ biến sau:
Encore: là phần mềm của hãng Passport dùng để soạn nhạc trên máy tính. Đây là một chương trình được sử dụng phổ biến do giao diện cũng như các công cụ của nó khá gần gũi và dễ dàng đối với người dùng, đặc biệt là với những người không phải chuyên nghiệp. Cho đến nay, Encore đã có nhiều phiên bản, phổ biến nhất là phiên bản 4.5 (hoặc 4.5.5). Từ bản 5.0 trở lại đây đã có nhiều thay đổi về kết cấu và tính năng, đặc biệt được bổ sung hệ tiếng VST giúp âm thanh trung thực hơn.
Encore được dùng phổ biến một phần bởi dung lượng cài đặt gọn gàng: 6,7 Mb bộ cài và chiếm 10,8 dung lượng ổ cứng (Encore4.5), có thể cài đặt trên các máy tính đời cũ (cấu hình thấp). Ưu điểm nổi bật nhất của Encore là các công cụ làm việc được trình bày dễ hiểu và dễ sử dụng, đối với những ai biết về nhạc lý là có thể tự nghiên cứu sử dụng được. Bên cạnh việc sử dụng chuột và bàn phím máy tính, Encore có thể kết nối với đàn điện tử hoặc bàn phím MIDI giúp cho việc chép nhạc được thuận tiện hơn.
Ngoài việc chép nhạc, Encore cũng cho phép tạo bản phối khí bằng cách chép nốt hoặc ghi âm trực tiếp qua giao diện MIDI. Tuy nhiên, chức năng này chỉ nên dùng vào việc chuẩn bị cho các dự án làm việc tiếp theo ở các phần mềm chuyên phối khí.
Final: Đây là phần mềm chép nhạc rất mạnh, phổ biến sau Encore. Final được viết bởi MakeMusic, bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1998 với phiên bản Final 98. Cho đến nay, đã có đến phiên bản Final version 25 với rất nhiều tính năng hỗ trợ cho việc in ấn và phối khí các bản nhạc.
Để sử dụng Final, sau khi cài đặt các bạn nên xem phần hướng dẫn bằng video ở menu khởi động của chương trình. Cũng như Encore, Final cho phép chép nhạc bằng các thao tác nhấp chuột và cũng có thể kết nối với thiết bị MIDI. Các thao tác chép nhạc của Final rất đa dạng và phong phú giúp người dùng có thể tạo bản nhạc bằng nhiều cách khác nhau với những tính năng độc đáo. Có thể nói đây là phần mềm chép nhạc rất chuyên nghiệp, các công cụ hỗ trợ cho việc chép từ những bản nhạc đơn giản như bài tập xướng âm cho đến các tổng phổ dàn nhạc giao hưởng. Ngoài ra, với những phiên bản gần đây Final còn cho phép scan các bản nhạc có sẵn vào máy rồi chỉnh sửa lại.
Tuy nhiên, cài đặt và sử dụng Final phức tạp hơn so với Encore, chính vì vậy mà nhiều người dùng hiện nay vẫn dùng Encore cho công việc của mình.
Một số phần mềm chép nhạc khác:
Ngoài Encore và Final, hiện nay còn có một vài phần mềm chép nhạc khác như: Sibelius, Ouverture … Ngoài những đặc điểm chung là dùng để chép nhạc thì mỗi phần mềm có thể được hỗ trợ những chức năng phối MIDI sử dụng các hệ tiếng ảo VST. Nếu các bạn đã có những kiến thức căn bản về phần mềm chép nhạc thì có thể thử tìm hiểu các phần mềm này.
Việc nghiên cứu sử dụng phần mềm cần xác định rõ mục đích và mức độ để lựa chọn phần mềm cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần lưu ý về cấu hình máy tính để cài đặt những phần mềm vừa phải giúp máy chạy ổn định.
2. Phần mềm phối khí và thu âm
Phần mềm phối âm là các phần mềm cho phép thiết lập âm thanh bằng ngôn ngữ MIDI và có thể chuyển thành audio trên cơ sở mô phỏng âm thanh thực trên các track riêng biệt. Phần mềm thu âm có chức năng ghi lại các tín hiệu âm thanh thông qua sound card theo một số định dạng âm thanh thông thường hoặc của riêng phần mềm đó. Hiện nay, đối với những người dùng chuyên nghiệp thường sử dụng các phần mềm có cả hai chức năng phối âm và thu âm, thường gặp nhất là Cubase, Nuendo, Sonar.
Cubase SX: là phần mềm của hãng Steinberg (Đức) – một tên tuổi rất nổi tiếng với các phần mềm audio chuyên nghiệp. Phát triển từ Cubase VST hiện nay đã có phiên bản Cubase 6.0 , ở Việt Nam hiện nay phổ biến là phiên bản Cubase SX 5.0 với những tính năng rất ưu việt. Phần mềm này cho phép thực hiện các bản phối bằng ngôn ngữ MIDI với phương tiện kèm theo là:
– Bàn phím MIDI (hoặc đàn phím điện tử có cổng kết nối MIDI).
– Soundmodules (hộp tiếng) hoặc các phần mềm tiếng VST.
Từ bản phối MIDI, thông qua soundmodules âm thanh mô phỏng các loại nhạc cụ được ghi lại trên từng track riêng và xuất ra thành các định dạng audio thông thường.
Bên cạnh chức năng phối âm, Cubase còn là phần mềm thu âm rất tiện lợi và hiệu quả. Âm thanh được thu trên nhiều track riêng biệt cùng lúc hoặc lần lượt, sau đó được sử lý với các hiệu ứng và lưu lại thành các kiểu định dạng khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Khai thác triệt để nền tảng Window, Cubase ẩn chứa trong mình rất nhiều tính năng trong các Tab công cụ, người sử dụng có thể dùng chuột thao tác kết hợp với bàn phím để chỉnh sửa các track âm thanh một cách dễ dàng. Đa số các phòng thu gia đình và các Studio kỹ thuật số đều sử dụng Cubase làm phương tiện thu âm chính.
Ngoài việc sử lý các file MIDI và audio, Cubase còn cho phép can thiệp vào phần âm thanh của các file video nhưng đây không phải là tính năng nổi bật.
Bên cạnh những ưu điểm thì Cubase cũng có một vài hạn chế với đối tượng người dùng phổ thông. Đó là vấn đề về đầu tư thiết bị và tìm hiểu cách sử dụng.
Để sử dụng Cubase hiệu quả, bên cạnh việc tìm hiểu tính năng phần mềm còn đòi hỏi phải có cấu hình máy tính mạnh. Quan trọng hơn là phải có sound card chuyên nghiệp đủ chuẩn cho các nhu cầu phối âm và thu âm mới có được các sản phẩm âm thanh tốt.
Nuendo: là phần mềm do hãng Steinberg phát triển trên cơ sở của Cubase. Về tính năng và cách sử dụng cơ bản là giống nhau, tuy nhiên có một vài điểm khác trong giao diện và Nuendo hỗ trợ video nhiều hơn. Đối với những người mới sử dụng nên sử dụng Cubase vì giao diện đẹp mắt hơn và tìm tài liệu tham khảo cũng dễ hơn. Tuy nhiên, theo một số người sử dụng vào mục đích thu âm thì Nuendo đỡ bị vỡ tiếng hơn khi thu và mix nhiều track. Nếu các bạn đã biết sử dụng Cubase rồi và muốn đa dạng phương tiện thì có thể thử làm việc với phần mềm này.
Sonar: là phần mềm rất quen thuộc với những người làm nhạc với tên gọi Cakewalk (đây cũng chính là tên hãng sản xuất phần mềm). Qua nhiều phiên bản, cho đến nay Sonar Cakewalk đã có đến bản 8.0. Nhưng ở Việt Nam thì phổ biến hơn là bản 4.0 và gần đây là bản 6.0.
Nhìn chung, so với Cubase thì Sonar cũng có các tính năng tương tự nhưng có bề dày hơn với những người phối nhạc chuyên nghiệp. Ở Việt Nam bắt đầu phổ biến từ những phiên bản Cakewalk7, Cakewalk8 và Cakewalk9. Nhiều nhạc sĩ phối khí hàng đầu đã rất thành công với những phiên bản này. Tính năng nổi bật của Sonar là các thao tác soạn thảo MIDI với nhiều định dạng khác nhau. Người sử dụng có thể nhập tín hiệu bằng bàn phím MIDI hoặc bằng thao tác chép nốt trên các track, chính vì vậy mà sự tương thích giữa Sonar và Encore rất tốt. Sau khi bản phối hoàn thành, tùy theo yêu cầu mà Sonar có thể xuất ra thành định dạng audio thông qua soundmodules hoặc các phần mềm tiếng VST. Ngoài ra, còn có thể xuất thành file midi để phát được trên đàn phím điện tử thông dụng rất hiệu quả.
Về tính năng thu âm, Sonar cũng hoạt động tương tự như của Cubase, tuy nhiên, các phím chức năng và điều khiển có khác nhau. Nhiều người sử dụng cho rằng âm thanh xuất ra của Cubase đẹp hơn của Sonar. Tuy nhiên, chất lượng bản thu âm còn phụ thuộc nhiều vào trình độ của kỹ thuật viên và các phần mềm hỗ trợ cũng như phần cứng của hệ thống.
Các phiên bản mới nhất hiện nay của Sonar đã thể hiện những tính năng vượt trội không thua kém gì CubaseSX. Cũng như Cubase, Sonar có thể điều chỉnh âm thanh của các file video nhưng đây không phải là tính năng nổi bật.
Một số điểm mạnh khiến cho nhiều người dùng vẫn sử dụng Sonar là tính tương thích MIDI cao, cấu hình máy tính không đòi hỏi quá mạnh. Đối với những ai ham mê sequencer trên đàn thì khi thao tác với sự hỗ trợ của Sonar sẽ cảm thấy rất thú vị.
Cả 3 phần mềm nêu trên đều dựa rất nhiều vào chất lượng thiết bị phần cứng và hỗ trợ của các Plugins phần mềm. Muốn có những sản phẩm tốt đòi hỏi phải có quá trình làm việc nhiều với phần mềm để đúc kết kinh nghiệm bên cạnh sự học hỏi và đầu tư về vật chất. Vì vậy cần cân nhắc về nhu cầu của công việc để có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Ngoài các phần mềm kể trên, còn có một số phần mềm thu âm đơn giản với 2 track stereo và xử lý hiệu ứng âm thanh rất hiệu quả như: WaveLab, Sound Forge… Các phần mềm này thường sử dụng cho thu thanh hội họp, live show… với các hiệu ứng hỗ trợ vừa phải. Tuy nhiên, đối với âm nhạc cũng có thể khai thác những tính năng nổi bật như: cắt ghép các file âm thanh, tăng giảm tone nhạc, tăng giảm tempo….
3. Phần mềm chỉnh sửa Video
Ngoài các file tư liệu là âm thanh, trong dạy học âm nhạc còn sử dụng rất nhiều các tư liệu video. Để có thể có được những dẫn chứng hợp lý với bài giảng chúng ta cần sử dụng đến các phần mềm chỉnh sửa video.
Đối với công việc đơn giản là cắt ghép các trích đoạn video, ta có thể sử dụng phần mềm kèm theo trong Window là: Window Movie Maker (ở Window 7 cần tải bộ cài đặt bổ sung). Nếu muốn sử dụng ở mức độ cao hơn, có thể dựng phim từ các nguồn tư liệu khác nhau thì có thể dùng InterVideo WinDVD; Ulead…
Bình luận