Nhạc sĩ JOHANS BRAHMS (1833- 1897)

1. Khái quát

Brahms là nhạc sĩ người Đức. Song song với Wagner, sáng tác của ông có ý nghĩa to lớn với nền âm nhạc Đức nửa cuối thế kỷ XIX. Sáng tác của Brahms có quan hệ mật thiết với nền văn hóa Áo, với thủ đô Viên.

Brahms không viết nhạc kịch mà ông sáng tác nhạc giao hưởng, thính phòng, sáng tác cho piano và thanh nhạc.

Là nhạc sĩ lãng mạn nhưng Brahms không ưa thích âm nhạc có tiêu đề. Âm nhạc của ông dựa trên nguyên tắc của âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân gian Đức.

Brahms là nghệ sĩ piano xuất sắc của thế kỷ XIX. Những tác phẩm cho piano của ông có chất lượng nghệ thuật cao. Âm nhạc của ông vừa có tính kịch của Beethoven vừa có tính trữ tình của Schubert, Schumann.

2. Giới thiệu tác phẩm

+ Sáng tác cho piano

Brahms viết một số lượng lớn các tác phẩm cho piano: 3 sonate, một loạt liên khúc biến tấu (theo chủ đề của Schumann, Haendel…) nhiều ballade, rapsodie, capriccio, hàng loạt vũ khúc, valse, vũ khúc Hungary bốn tay, Intermezzo và nhiều tiểu phẩm. Tiêu biểu có bản Intermezzo Es-dur, tập vũ khúc Hungary bốn tay.

+ Sáng tác giao hưởng

Brahms viết 4 giao hưởng, 2 ouverture có tên là “Bi kịch” và “Ngày hội”, biến tấu trên những chủ  đề của Haydn. Cả bốn giao hưởng của Brahms cùng dựa trên cốt cách giao hưởng cổ điển: số 1 tính chất anh hùng, số 2 tính chất vũ khúc, số 3 trữ tình tính kịch, số 4 tính chất bi kịch.

Ngoài giao hưởng, ông còn viết concerto: 2 concerto cho piano, một cho violon, một bản cho hai đàn violon và violoncell hoà tấu với dàn nhạc.

+ Sáng tác cho thanh nhạc

Sáng tác cho thanh nhạc của Brahms là một trong những đỉnh cao của tính trữ tình lãng mạn. Sau Schubert và Schumann, ông là nhạc sĩ phát triển và làm phong phú cho ca khúc của trường phái lãng mạn.

Brahms viết khoảng 380 tác phẩm cho thanh nhạc, trong đó có khoảng 200 ca khúc có đệm piano, một số bản thanh nhạc – giao hưởng, nhiều hợp xướng có đệm và không đệm.

Nổi tiếng trong các thanh nhạc – giao hưởng của Brahms là bản Requiem Đức op.45 viết cho hợp xướng, dàn nhạc và đơn ca, gồm 7 chương.

(Theo PGS. TS Nguyễn Thị Tố Mai)

Keep Reading

PreviousNext

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *